Đến nay trên phạm vi cả nước có trên 5.000 mỏ và điểm quặng với trên 60 loại khoáng sản khác nhau.
Trong đó có một số loại khoáng sản có quy mô lớn, tầm cỡ thế giới như bauxit (khoảng trên 10 tỷ tấn), đất hiếm (trên 9 triệu tấn), titan (trên 500 triệu tấn) và các loại đá nguyên liệu cho công nghiệp xây dựng.
Hiện Cục Địa chất&Khoáng sản Việt Nam đã hoàn thành Dự thảo Luật Khoáng sản (sửa đổi) lần ba trình Chính phủ trong tháng 2 tới, dự kiến để Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp đầu của năm 2010.
Nội dung Dự thảo Luật tập trung khắc phục những tồn tại, bất cập của Luật Khoáng sản năm 2005, đặc biệt chú trọng cơ chế thực hiện chủ trương "kinh tế hóa" lĩnh vực địa chất, khoáng sản.
Theo đó, ngành Địa chất và Khoáng sản sẽ chuyển mạnh từ cơ chế xin - cho sang cơ chế đấu giá, đấu thầu hoạt động khoáng sản; thu hồi nguồn kinh phí Nhà nước đã đầu tư trong công tác điều tra, đánh giá, thăm dò khoáng sản nhằm tăng thu cho ngân sách và tái đầu tư cho lĩnh vực điều tra, đánh giá tài nguyên khoáng sản; quy định chặt chẽ hơn điều kiện của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khoáng sản; nâng cao hiệu quả công tác thanh tra chuyên ngành khoáng sản; thực hiện cải cách thủ tục hành chính, rà soát để phân công, phân cấp một cách hợp lý trong thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về khoáng sản nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực của công tác này.
Cục Địa chất&Khoáng sản Việt Nam cũng đang tích cực thực hiện Quy hoạch Điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, để phát hiện các mỏ mới, làm rõ tiềm năng tài nguyên khoáng sản của nước ta phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời triển khai xây dựng đề án thăm dò quặng urani khu Pà Lừa - Pà Rồng, huyện Nam Giang (Quảng Nam); Đề án điều tra, đánh giá than đồng bằng sông Hồng; Đề án điều tra, đánh giá tổng thể tài nguyên Bauxit Nam Việt Nam.